Nội quy lao động có thể được hiểu là bản quy phạm nội bộ trong những đơn vị doanh nghiệp, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, kỷ luật lao động mà người lao động phải thực hiện khi lao động ở đơn vị đó. Nội quy lao động cũng là cơ sở để xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với những lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Vấn đề về nội quy lao động này được quy định cụ thể tại Bộ luật lao động 2012 và Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật lao động. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý khách hàng nắm được các thông tin pháp luật mới nhất về nội quy lao động.
Về thẩm quyền và phạm vi ban hành nội quy lao động
Khoản 1 Điều 119 BLLĐ 2012 quy định: “Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản”. Theo đó, những đơn vị có sử dụng dưới 10 người lao động thì không nhất thiết phải có nội quy lao động bằng văn bản, khi đó kỷ luật lao động được thể hiện ở những mệnh lệnh, yêu cầu hợp pháp của người sử dụng lao động.
Việc ban hành nội quy lao động làm công cụ quản lý lao động trong đơn vị sử dụng lao động vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động. Việc ban hành nội quy lao động có ý nghĩa quan trọng, giúp người sử dụng lao động thiết lập và duy trì kỷ luật lao động trong đơn vị, từ đó thực hiện quyền quản lý lao động một cách hiệu quả.
Về nguyên tắc ban hành nội quy lao động
Khoản 2 Điều 119 BLLĐ năm 2012 quy định: Nội dung của nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Do vậy, trước khi ban hành nội quy, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của các chủ thể khác về những những nội dung đã quy định trong nội quy.
Nội dung cơ bản của nội quy lao động
Khoản 2 Điều 119 BLLĐ năm 2012 quy định cụ thể về nội dung của nội quy lao động, theo đó, nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
Các nội dung trên được quy định cụ thể tại 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
Quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ ngắn ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hàng tuần; nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.
-
Trật tự tại nơi làm việc:
Quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động (trừ trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của mình).
-
An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc:
Trách nhiệm nắm vững các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chấp hành biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuân thủ nội quy, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc.
-
Bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động:
Danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.
-
Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất:
Danh mục hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật lao động; mức độ thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về thủ tục ban hành nội quy lao động
– Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động khi ban hành nội quy lao động:
Theo đó, tại đơn vị cơ sở sẽ thành lập một tổ chức đại diện tập thể lao động và phải lấy ý kiến tham khảo của tổ chức này trước khi ban hành nội quy lao động. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì tổ chức đại diện tập thể lao động là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, là tiếng nói của người lao động. Do vậy, người sử dụng lao động phải tôn trọng và phải tham khảo ý kiến của họ trước khi ban hành nội quy lao động của đơn vị (quy định tại Khoản 3 Điều 119 của BLLÐ 2012).
– Thông báo nội quy lao động đến người lao động:
Phải niêm yết các nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc, để người lao động biết rõ được các nội dung của nội quy lao động và tự lựa chọn cách xử sự cho phù hợp (Khoản 4 Điều 119 BLLÐ 2012).
– Đối với các đơn vị có sử dụng từ 10 người lao động trở lên khi ban hành nội quy lao động bắt buộc phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh:
Đây là một điều kiện để nội quy lao động có hiệu lực pháp luật quy định tại Khoản 9 Điều 28 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP: “Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động không phải đăng ký nội quy lao động”.
Khoản 2 Điều 120 của BLLÐ 2012, Điều 28 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đăng ký kinh doanh. Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký nội quy lao động được quy định cụ thể tại Điều 121 BLLÐ năm 2012.
Khi nội quy lao động có hiệu lực thì người sử dụng lao động phải thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết.
Trên đây là tư vấn sơ bộ của chúng tôi về quy định pháp luật hiện hành đối với nội quy lao động. Xin chân thành cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chúng tôi.