Nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh rất phổ biến trong nền kinh tế thị trường tự do hiện đại và rất phát triển ở các nước như: Mỹ, Úc, Cộng đồng chung châu Âu… Vậy khi nhận quyền thương mại có được nhượng lại quyền đó cho bên khác hay không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.
Nhượng quyền Franchise thứ cấp được hiểu như thế nào?
Căn cứ pháp lý: Điều 290 Luật Thương mại 2005:
– Bên nhận quyền thương mại có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba khác nếu được bên nhượng quyền chấp thuận.
– Khi bên nhận quyền được trao quyền thực hiện quyền hạn của bên nhượng quyền trong một khu vực cụ thể, họ được gọi là “bên nhượng quyền thứ cấp”.
– Bên nhượng quyền thương mại thứ cấp có quyền cấp lại quyền thương mại mà mình đã nhận từ Bên nhượng quyền ban đầu cho Bên nhận khác (gọi là bên nhận quyền thứ cấp).
– Bên nhận quyền thứ cấp có các quyền và nghĩa vụ như bên nhận quyền sơ cấp.
Thực tế thực hiện pháp luật về nhượng quyền Franchise thứ cấp:
– Bên nhượng quyền thứ cấp thường sẽ phải trả một khoản phí ban đầu để được phép nhượng quyền kinh doanh ở một khu vực hay lãnh thổ.
– Bên nhượng quyền thứ cấp được quyền mua bán quyền thương mại để thu phí nhượng quyền và phí bản quyền, có trách nhiệm phải đào tạo, hỗ trợ người mua quyền thương mại trong khu vực hay lãnh thổ đã quy định.
– Bên nhượng quyền thứ cấp sẽ ký những hợp đồng nhượng quyền thứ cấp với người mua quyền kinh doanh (khi bán quyền kinh doanh) trong khu vực đã định.
– Các khoản phí do bên nhượng quyền thứ cấp thu có thể được chia giữa bên nhượng quyền thứ cấp và hệ thống nhượng quyền, hoặc trong một số trường hợp thì bên nhượng quyền thứ cấp sẽ giữ lại phần lớn khoản phí thu được này. Hợp đồng nhượng quyền thứ cấp sẽ quy định rõ khoản phí nhượng quyền và phí bản quyền mà mỗi bên nhận được.
– Phụ thuộc vào hợp đồng, bên nhượng quyền thứ cấp có quyền mở hoặc không mở một hoặc vài đơn vị kinh doanh nhượng quyền. Việc phát triển lãnh thổ phụ thuộc vào một chỉ tiêu hay kế hoạch cụ thể, có thể được diễn giải trong nội dung hợp đồng. Bên nhượng quyền thứ cấp có thể đáp ứng toàn bộ hoặc một phần các yêu cầu này của hợp đồng.
– Không phải hệ thống nhượng quyền nào cũng có các thỏa thuận nhượng quyền thứ cấp. Mô hình hoạt động này không phù hợp với tổ chức của mọi ngành kinh doanh nhượng quyền. Hơn nữa, nhiều hệ thống nhượng quyền không thích việc mất đi quyền lực khi tiến hành nhượng quyền thứ cấp. Thông thường, bên nhượng quyền thứ cấp có nhiều ảnh hưởng đối với những người mua quyền thương mại hơn là bên nhượng quyền, vì bên nhượng quyền thứ cấp kiểm soát số lượng lớn các đơn vị kinh doanh và chịu trách nhiệm mang lại nguồn thu cho cả hệ thống.
– Bên nhượng quyền thứ cấp thường phải chịu rủi ro về tài chính rất lớn do khoản đầu tư cần thiết để mua nhượng quyền một lãnh thổ là rất lớn; phải đối mặt với các vụ kiện tụng trong tương lai do những người mua quyền thương mại không hài lòng thực hiện.Tuy nhiên bù lại, họ được chia sẻ khoản phí nhượng quyền ban đầu với người mua quyền thương mại và phí bản quyền liên tục trong suốt thời hạn hợp đồng nhượng quyền có thể kéo dài mười, hai mươi năm hoặc hơn nữa.
Trên đây là tư vấn sơ bộ chúng tôi về yêu cầu của Quý khách hàng. Xin chân thành cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chúng tôi.