Chúng ta vẫn nghe về việc 1 đơn vị nào đó nhận nhượng quyền thương mại từ McDonalds, trà sữa Gongcha… nhưng lại chưa thực sự biết Nhượng quyền thương mại là gì? Chủ thể và hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến quý doanh nghiệp những thông tin về nhượng quyền thương mại.
Nhượng quyền thương mại?
Căn cứ pháp lý: Điều 284 Luật Thương mại 2005.
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
– Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
– Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Chủ thể nhượng quyền thương mại:
Quan hệ nhượng quyền thương mại bao gồm các chủ thể sau:
– Bên nhượng quyền là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp.
– Bên nhận quyền là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhượng quyền thứ cấp.
– Bên nhượng quyền thứ cấp là thương nhân có quyền cấp lại quyền thương mại mà mình đã nhận từ Bên nhượng quyền ban đầu cho Bên nhận quyền thứ cấp.
– Bên nhận quyền thứ cấp là thương nhân nhận lại quyền thương mại từ Bên nhượng quyền thứ cấp.
– Bên nhận quyền sơ cấp là thương nhân nhận quyền thương mại từ Bên nhượng quyền ban đầu.
Điều kiện để các chủ thể tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại:
– Bên nhượng quyền:
+ Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm;
+ Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại;
+ Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền;
+ Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định.
– Bên nhận nhượng quyền: phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại:
Hình thức:
– Văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
– Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.
Nội dung:
– Nội dung của quyền thương mại:
– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền;
– Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền;
– Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán;
– Thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
– Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Thời hạn:
– Thời hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.
– Hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể chấm dứt trước thời hạn trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng:
– Hợp đồng nhượng quyền thương mại có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
– Nếu trong hợp đồng nhượng quyền thương mại có phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thì phần đó có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Trên đây là tư vấn sơ bộ chúng tôi về yêu cầu của Quý khách hàng. Xin chân thành cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chúng tôi.