Nếu như đăng ký kết hôn làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng thì ly hôn lại nhằm chấm dứt quan hệ này. Ly hôn với người nước ngoài phải được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự nhất định.
Cơ sở pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Giải quyết ly hôn với người nước ngoài
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Điều 51 Luật Hôn nhân quy định những người sau đây có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn
* Vợ, chồng hoặc cả hai người (người chồng sẽ bị hạn chế quyền này trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi).
* Cha, mẹ, người thân thích khác trường hợp một bên vợ, chồng không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình; đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần họ.
Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Tuy nhiên người chồng cần lưu ý không thuộc trường hợp bị hạn chế khi tiến hành yêu cầu ly hôn.
Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp: ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn. Điều 470 quy định Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài. Như vậy người Việt Nam muốn ly hôn với người nước ngoài thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Thẩm quyền của Toà án các cấp
Do ly hôn với người nước ngoài là tranh chấp về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện. Tranh chấp ly hôn có thể có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần uỷ thác tư pháp nên thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất Toà án nhân dân cấp huyện được giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài là khi công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới muốn ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
Thẩm quyền theo lãnh thổ
Điều 28 quy định ly hôn là tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Do là tranh chấp nên ly hôn được xác định là vụ án dân sự. Đương sự trong tranh chấp hôn nhân chỉ có thể là cá nhân nên Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Tuy nhiên các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản để yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết. Như vậy vợ, chồng khi muốn ly hôn có thể lựa chọn Toà án nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên giải quyết.
Người Việt Nam khi muốn ly hôn với người nước ngoài cần chú ý đến quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, trường hợp hạn chế và lựa chọn Toà án có thẩm quyền giải quyết theo vụ việc, cấp và lãnh thổ. Đảm bảo những yếu tố trên sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc ly hôn.
_________________________________
Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, chúng tôi với đội ngũ Luật sư và chuyên viên tư vấn tự tin cung cấp dịch vụ pháp lý của mình đến khách hàng trên toàn quốc.
Liên hệ Luật sư tư vấn và hỗ trợ tất cả các Dịch vụ liên quan đến hôn nhân gia đình:
LNP LAW
Địa chỉ: số 225A Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 02463292936
HOTLINE: 0832929912
Email: info@lnplegal.com