Công ty TNHH một thành viên, hai thành viên, công ty cổ phần hay công ty tư nhân đang được thành lập rất nhiều trong xã hội bởi nhu cầu “Start-up” của mỗi cá nhân… Vậy các nhà khởi nghiệp nên chọn loại hình doanh nghiệp nào?
Đọc thêm: 9 vấn đề pháp lý cần quan tâm khi thành lập doanh nghiệp
1. Các loại hình doanh nghiệp theo quy định pháp luật:
Có các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh, Công ty tư nhân,… Tuy nhiên, có các loại công ty phổ biến nhất hiện nay là TNHH, cổ phần và tư nhân…
2. Đặc điểm mỗi loại hình doanh nghiệp:
2.1 Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH):
a) Công ty TNHH một thành viên:
Công ty TNHH một thành viên là công ty do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Từ đó, chủ sở hữu sẽ là người chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý của Công ty.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì khi công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu sẽ có những mô hình sau đây:
– Chủ tịch Công ty (do chủ sở hữu bổ nhiệm), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm sát viên;
– Hội đồng thành viên (do chủ sở hữu bổ nhiệm và miễn nhiệm từ 3-7 thành viên), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm sát viên.
b) Công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể là tổ chức, cá nhân và số lượng thành viên không vượt quá 50 người.
Quyền của từng thành viên trong loại hình này gồm có: quyền tham dự họp Hội đồng thành viên, kiến nghị, biểu quyết; được chia lợi nhuận tương ứng với phần góp vốn;… . Nghĩa vụ là góp đủ số vốn đã cam kết, tuân thủ Điều lệ công ty, không được rút vốn góp trong một số trường hợp,…
Cơ cấu quản lý trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Đối với 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát.
2.2 Công ty Cổ phần:
Công ty Cổ phần là một loại doanh nghiệp có vốn được chia nhỏ thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần, đặc biệt là cổ phần được quyền chào bán. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông không dưới 03 người và không hạn chế số lượng tối đa.
Cơ cấu của Công ty cổ phần bao gồm:
– Đại hội đồng cổ đông: gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, cơ quan quyết định cao nhất.
– Hội đồng quản trị: là cơ quan quản lý của công ty và có toàn quyền quyết định thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Công ty. Hội đồng sẽ bầu ra một thành viên làm Chủ tịch hội đồng quản trị.
– Ban kiểm soát: có năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm theo quy định pháp luật và tuân thủ đúng pháp luật.
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: do hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác. Đồng thời là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của Công ty.
2.3 Doanh nghiệp tư nhân:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có quyền quyết định tất cả các hoạt động kinh doanh, nộp thuế, …
Mỗi cá nhân chỉ được quyền lập một doanh nghiệp tư nhân và không đồng thời là chủ hộ kinh doanh và Công ty hợp danh.
2.4 Công ty hợp danh:
Công ty hợp danh là doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của Công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, Công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
Có nghĩa là thành viên hợp danh là cá nhân chịu toàn bộ trách nhiệm về nghĩa vụ của Công ty và thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm chịu các khoản nợ của Công ty trong phạm vi số vốn đã đóng.