Khái niệm, đặc điểm của tranh chấp thương mại

Tranh chấp trong thương mại là một loại tranh chấp diễn ra phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Đôi khi vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, các mối quan hệ kinh tế thương mại giữa các nhà kinh doanh cũng có những bất đồng và mâu thuẫn dẫn đến các tranh chấp trong việc thực hiện các cam kết. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp Quý khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về Khái niệm và đặc điểm của tranh chấp thương mại.

Khái niệm tranh chấp thương mại:

– Tại Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: “ Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”

Bài viết liên quan

– Theo quy định trên, có thể hiểu: Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn ( bất đồng hoặc xung đột ) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Tranh chấp thương mại phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Tranh chấp thương mại thực chất là tranh chấp hợp đồng. Đây là các tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại và luôn thuộc quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp.

Đặc điểm tranh chấp thương mại:

Thứ nhất, chủ thể chủ yếu của tranh chấp thương mại là thương nhân

Quan hệ thương mại có thể được thiết lập giữa các thương nhân với nhau, hoặc giữa thương nhân với bên không phải là thương nhân. Một tranh chấp được coi là tranh chấp thương mại khi có ít nhất một bên là thương nhân. Ngoài ra cũng có một số trường hợp, các cá nhân, tổ chức khác cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại: tranh chấp giữa công ty – thành viên công ty; tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, hợp nhất, giải thể, chia, tách…công ty,…

Thứ hai, căn cứ phát sinh tranh chấp thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật

Trong nhiều trường hợp, tranh chấp thương mại phát sinh do các bên có vi phạm hợp đồng và xâm hại lợi ích của nhau. Tuy nhiên cũng có thể có những vi phạm xâm hại lợi ích của các bên nhưng không làm phát sinh tranh chấp. Nội dung của tranh chấp thương mại là những xung đột về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hoạt động thương mại. Các quan hệ thương mại có bản chất là các quan hệ tài sản, nên nội dung tranh chấp thương liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các bên.

Thứ ba, các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại

Hiện nay tranh chấp thương mại được giải quyết bằng các phương thức: thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại và tòa án. Mỗi phương thức có sự khác nhau về tính chất pháp lý, nội dung của thủ tục, trình tự tiến hành.

Trên đây là tư vấn sơ bộ chúng tôi về vấn đề tranh chấp trong thương mại. Xin chân thành cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chúng tôi.

 

 

Để lại một bình luận